Cách chăm sóc giúp bệnh nhân tiểu đường ổn định đường máu tại nhà

Khi người thân của bạn được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, bản thân họ cần phải xây dựng một kế hoạch quản lý dài hạn để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, họ vẫn rất cần sự đồng hành và chia sẻ từ những người thân trong gia đình. Đây sẽ là nguồn động lực lo lớn giúp họ kiên trì điều trị, từ đó ổn định đường huyết và giảm nguy cơ biến chứng tốt hơn. Dưới đây là những cách chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tại nhà bạn nên áp dụng nếu người thân mắc phải căn bệnh này.

Người bệnh tiểu đường nếu được chăm sóc tốt sẽ sống khỏe và sống lâu hơn.

Người bệnh tiểu đường nếu được chăm sóc tốt sẽ sống khỏe và sống lâu hơn.

Trấn an người bệnh

Kết quả chẩn đoán bệnh tiểu đường có thể khiến người thân của bạn cảm thấy buồn bã và choáng ngợp. Bạn có thể giúp họ vượt qua cảm giác này bằng cách:

  • Lắng nghe họ chia sẻ về những băn khoăn, lo lắng, nỗi sợ khi phải đối mặt với bệnh tiểu đường.
  • Trấn an họ rằng bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể kiểm soát được và họ hoàn toàn có thể sống lâu, sống khỏe nếu được điều trị tốt.
  • Cùng họ tìm kiếm các thông tin liên quan đến bệnh tiểu đường qua sách báo, internet hoặc 1 khóa học về bệnh tiểu đường.

Việc thư giãn tâm lý sẽ giúp họ có động lực điều trị hơn, đồng thời giảm nguy cơ đường huyết tăng vọt do stress.

Cùng nhau thay đổi chế độ ăn uống

Người thân của bạn sẽ cần thay đổi chế độ ăn uống theo hướng lành mạnh hơn để kiểm soát tốt đường huyết. Và chế độ ăn này có thể khiến họ cảm thấy bị cô lập và khó chịu khi không thể ăn tất cả những món ăn như những người khác trong gia đình.

Để giúp đỡ họ, bạn hãy tìm kiếm những thực phẩm, món ăn lành mạnh và cùng họ chế biến chúng. Thực tế, rất nhiều thực phẩm tốt cho người tiểu đường cũng giúp những người không bị tiểu đường ngày càng khỏe mạnh hơn. Những thực phẩm đó là:

  • Rau xanh và trái cây tươi: Rau xanh và trái cây tươi có chứa rất nhiều chất xơ giúp giảm đường huyết sau ăn. Chúng cũng giàu vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe nói chung. Bạn nên chế biến những thực phẩm này dưới dạng luộc, salad hoặc ăn trái cây nguyên quả. Những cách chế biến này sẽ giúp bạn có thể nhận được tối đa lợi ích từ các thực phẩm này.
  • Cá: Cá ít chất béo hơn các loại thịt đỏ và thịt gia cầm. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch ở cả người tiểu đường và người khỏe mạnh. Mỗi tuần, bạn nên chế biến cho cả gia đình 2 bữa cá, xen kẽ với thịt gia cầm bỏ da và thịt nạc.
  • Ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, gạo xát rối, yến mạch là những loại ngũ cốc tốt hơn gạo trắng thông thường. Bởi chúng có hàm lượng chất xơ và vitamin cao hơn. Nếu việc chuyển sang ăn hoàn toàn ngũ cốc nguyên hạt khiến người bệnh tiểu đường cảm thấy khó khăn, bạn có thể đan xen với gạo trắng và tăng lượng rau xanh trong bữa ăn.

Xem thêm: Chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường

Người bệnh tiểu đường cần một kế hoạch  ăn uống khoa học để kiểm soát tốt đường huyết

Người bệnh tiểu đường cần một kế hoạch  ăn uống khoa học để kiểm soát tốt đường huyết

Khuyến khích người bệnh tiểu đường tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục rất tốt cho người bệnh tiểu đường. Bạn có thể xây dựng một kế hoạch tập luyện và khuyến khích tất cả các thành viên trong gia đình cùng tham gia các môn thể thao như đi bộ, bơi lội, khiêu vũ, đi xe đạp, chơi bóng chày, bowling…

Việc tập thể dục thường xuyên sẽ mang lại cho người bệnh các lợi ích sau:

  • Giảm cân nặng, đặc biệt là những người thừa cân hay béo phì
  • Giảm đề kháng insu-lin, một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường type 2
  • Tăng cường sức khỏe.

Người bệnh tiểu đường nên tập thể dục ít nhất 5 lần một tuần với khoảng 30 - 45 phút mỗi lần. Nếu kế hoạch tập luyện vừa mới bắt đầu bạn có thể điều chỉnh thời gian tập luyện ít hơn sau đó tăng dần và duy trì trong khoảng thời gian cố định.

Bạn cũng có thể chuẩn bị trước một chiếc bánh mì hoặc đồ ăn nhẹ cho người bệnh trước khi quá trình tập luyện bắt đầu để tránh rủi ro hạ đường huyết. Ngoài ra hãy nhắc người bệnh chọn giày tập phù hợp và kiểm tra bàn chân sau tập để tránh các chấn thương.

Xem thêm: Người bệnh tiểu đường nên tập thể dục như thế nào?

Theo dõi quá trình sử dụng thuốc của người bệnh

Để kiểm soát tốt lượng đường trong máu hoặc điều trị biến chứng, người bệnh tiểu đường có thể được chỉ định sử dụng nhiều loại thuốc như thuốc hạ đường huyết, huyết áp, mỡ máu, kháng sinh hoặc thuốc tiêm insuIin…

Đôi khi trong quá trình sử dụng, người bệnh có thể quên uống thuốc hoặc gặp một số tác dụng không mong muốn. Để phòng tránh điều này, bạn nên giúp họ ghi lại cách dùng ngay trên nhãn thuốc, đặt thuốc ở những vị trí dễ thấy và tạo lịch nhắc uống thuốc.

Đồng thời, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về những tác dụng phụ có thể gặp phải, dấu hiệu nhận biết chúng và cách xử trí để hỗ trợ người bệnh khi cần. Nếu người bệnh phải tiêm insulin, bạn hãy tìm hiểu cách tiêm bằng bơm tiêm thường hay bút tiêm để hướng dẫn họ tiêm đúng cách.

Xem thêm: Lưu ý khi dùng thuốc điều trị đái tháo đường

Theo dõi quá trình dùng thuốc ở người bệnh tiểu đường sẽ giúp giảm các tác dụng không mong muốn

Theo dõi quá trình dùng thuốc ở người bệnh tiểu đường sẽ giúp giảm các tác dụng không mong muốn

Nhắc người bệnh tiểu đường chăm sóc bàn chân hàng ngày

Đây là một trong những lưu ý quan trọng phải có trong kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường. Bởi khi mắc tiểu đường, người bệnh rất dễ bị tổn thương bàn chân mà không biết. Nếu không được điều trị sớm, các vết thương, vết loét có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng dẫn đến phải cắt cụt chi. Để phòng tránh rủi ro này, bạn có thể giúp họ bằng cách nhắc họ:

  • Kiểm tra thường xuyên bàn chân và báo cáo ngay với bác sỹ điều trị khi thấy bất kỳ một tổn thương nào trên da.
  • Rửa chân bằng nước ấm, cắt móng chân và vệ sinh sạch sẽ các kẽ chân hàng ngày.

Đồng thời, bạn nên mua cho người thân mình những đôi giày mềm, thoáng khí, vừa vặn để giảm nguy cơ chấn thương.

Xem thêm: Cách chăm sóc vết loét ở bệnh nhân tiểu đường

Nắm rõ các dấu hiệu và cách xử trí hạ đường huyết

Hạ đường huyết là một biến chứng thường gặp của người bệnh tiểu đường. Bạn phải học cách nhận biết một cơn hạ đường huyết và biết cách cấp cứu ban đầu để giảm nguy cơ hôn mê do hạ đường huyết cho người thân của mình.

Các dấu hiệu của hạ đường huyết có thể bao gồm: căng thẳng, lẫn lộn, lú lẫn, người run rẩy, buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi… Khi thấy người bệnh có dấu hiệu này, bạn nên cho họ uống ngay 1 cốc nước đường hoặc ăn một chiếc bánh ngọt. Điều này sẽ giúp đường huyết tăng trở lại mức an toàn.

Nếu thấy tình trạng hạ đường huyết xảy ra thường xuyên, bạn cần xem lại chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc của người bệnh có thay đổi gì không. Bởi việc ăn uống quá kiêng khem, tập luyện quá gắng sức hay dùng thuốc không hợp lý là những nguyên nhân gây hạ đường huyết phổ biến nhất.

Cách chăm sóc người bệnh tiểu đường cao tuổi và trẻ em

Bệnh tiểu đường có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trong đó có cả trẻ em và người cao tuổi. Với những đối tượng này, bạn sẽ cần giúp đỡ họ nhiều hơn.

Người cao tuổi và trẻ em mắc bệnh tiểu đường cần 1 kế hoạch chăm sóc tỉ mỉ hơn.

Người cao tuổi và trẻ em mắc bệnh tiểu đường cần 1 kế hoạch chăm sóc tỉ mỉ hơn.

Chăm sóc trẻ em bị bệnh tiểu đường

Trẻ em thường được chẩn đoán mắc tiểu đường type 1, do đó chúng sẽ phải sử dụng insuIin trong suốt quá trình điều trị. Và đôi khi chúng còn quá nhỏ để biết cách tiêm insuIin sao cho đúng. Lúc này cha mẹ là những người ở bên giúp con tiêm insuIin đúng thời điểm, đúng liều lượng và hướng dẫn trẻ tự tiêm khi chúng lớn lên.

Bên cạnh đó, lượng đường trong máu của trẻ em có thể thay đổi khi trẻ hoạt động, bị ốm hoặc bị căng thẳng, áp lực học hành… Do đó, bạn cần trao đổi trước với giáo viên về những dấu hiệu cảnh báo hạ đường huyết cũng như cách xử trí để đề phòng các rủi ro.

Chăm sóc người cao tuổi bị bệnh tiểu đường

Tuổi tác ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm soát đường huyết. Người cao tuổi có thể quên uống thuốc khiến đường huyết tăng vọt. Họ cũng ít có khả năng nhận ra những dấu hiệu của hạ đường huyết khiến đường huyết dễ tụt xuống thấp gây hôn mê. Đặc biệt, đa số những người bệnh cao tuổi đều đã có 1 hoặc nhiều biến chứng trên các cơ quan khác như tim, mắt, thần kinh… Các biến chứng này cũng khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Vì vậy, nếu trong gia đình có người cao tuổi bị bệnh tiểu đường, bạn sẽ phải theo sát quá trình điều trị của họ để giảm thiểu tối đa các rủi ro.

Hãy nhớ lịch khám sức khỏe của người bệnh tiểu đường và nhắc họ hoặc cùng họ đi khám định kỳ. Tốt nhất, bạn nên xin số điện thoại của bác sĩ để có thể liên hệ ngay khi có bất kỳ vướng mắc hoặc tình huống bất thường nào xảy ra với người bệnh.

Chăm sóc bệnh nhân tiểu đường là một công việc dài hạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn. Nhưng với tình yêu mà bạn dành cho con cái, cha mẹ hoặc người thân đang mắc căn bệnh này, không gì là không thể khi sự chăm sóc của bạn sẽ giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

 Xem thêm video : Cách điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả

Nguồn tham khảo: http://www.everydayhealth.com