Phụ nữ mắc tiểu đường dễ bị nhiễm nấm âm đạo

Nấm âm đạo là bệnh gây ra do nấm Candida Albicans ký sinh, gây khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người phụ nữ. Trên thực tế, nấm có thể tồn tại với số lượng có hạn trong hệ vi sinh vật của cơ thể khoẻ mạnh mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào khó chịu. Tuy nhiên, nếu có một tác động nào đó khiến chúng phát triển quá mức, thì khi đó sự hiện diện của chúng sẽ trở thành vấn đề và gây bệnh nấm âm đạo. Những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm là mất cân bằng pH âm đạo, thay đổi sinh lý, giảm sức đề kháng, môi trường âm đạo ẩm ướt... Một nguyên nhân nữa cũng rất phổ biến nhưng không phải ai cũng biết đến đó chính là bệnh đái tháo đường (ĐTĐ).

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ nhiễm nấm âm đạo như thế nào?

ĐTĐ là một bệnh lý mãn tính đặc trưng bởi nồng độ đường trong máu tăng cao, kéo dài. Đường huyết cao sẽ là môi trường dinh dưỡng thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của nấm cũng như các hệ vi sinh vật khác, do vậy người bệnh tiểu đường rất dễ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.

Mặt khác, bệnh ĐTĐ gây tổn thương tới các tế bào mạch máu, làm giảm sức đề kháng của cơ thể và giảm số lượng các tế bào miễn dịch di chuyển tới vị trí nhiễm trùng để tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho nấm men phát triển và tồn tại lâu dài.

Khi bị nhiễm nấm âm đạo, người bệnh sẽ thường xuất hiện các triệu chứng như: Ngứa nhiều ở âm đạo, cảm giác bỏng rát, nhất là về đêm; khí hư ra nhiều, trắng đục, mùi hôi; đau rát khi đi tiểu, quan hệ… Thăm khám phụ khoa sẽ tìm thấy các tế bào, bào tử nấm ở dịch âm đạo, niêm mạc âm đạo sưng tấy, đỏ và có những mảng khí hư bám xung quanh thành.

Bệnh nấm âm đạo ở phụ nữ có đặc điểm là rất dễ tái phát và kéo dài dai dẳng. Nếu không được điều trị tốt thì có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng như vô sinh, sảy thai, viêm vùng chậu, viêm cổ tử cung, viêm niêm mạc tử cung, viêm vòi trứng, giang mai, lậu...

Ngứa nhiều ở âm đạo, cảm giác nóng rát – triệu chứng thường gặp khi bị nhiễm nấm âm đạo Ngứa nhiều ở âm đạo, cảm giác nóng rát – triệu chứng thường gặp khi bị nhiễm nấm âm đạo

Điều trị nhiễm trùng nấm âm đạo ở phụ nữ ĐTĐ

Nhiễm trùng nấm âm đạo rất dễ được phát hiện và phương pháp điều trị cũng rất đơn giản. Bình thường, nếu tuân thủ đúng theo lộ trình điều trị của bác sĩ thì bệnh có thể khỏi sau 5 – 7 ngày.

Đối với người bệnh ĐTĐ, mục tiêu điều trị hàng đầu vẫn là kiểm soát tốt đường huyết. Người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị đầy đủ, kết hợp với chế độ ăn uống khoa học để duy trì đường huyết ổn định trong giới hạn cho phép.

Khi xuất hiện các triệu chứng của nhiễm trùng nấm âm đạo, người bệnh nên sớm đến gặp bác sĩ để được thăm khám phụ khoa và điều trị bệnh triệt để. Không nên tự ý dùng thuốc đặt vì nếu sử dụng không đúng loại thuốc và liều lượng phù hợp thì có thể gây nhờn thuốc, dẫn đến nhiễm nấm dai dẳng, kéo dài, rất khó điều trị...

Bên cạnh đó, nhiễm trùng nấm âm đạo có thể lây truyền qua quan hệ tình dục. Người chồng tuy không có xuất hiện các triệu chứng như nhiễm nấm âm đạo ở phụ nữ, nhưng có thể mang mầm bệnh. Do vậy, khi điều trị cần phải điều trị kết hợp cả vợ và chồng.

Khi có các dấu hiệu của nhiễm nấm âm đạo nên sớm đến gặp bác sĩ phụ khoa để được điều trị triệt để Khi có các dấu hiệu của nhiễm nấm âm đạo nên sớm đến gặp bác sĩ phụ khoa để được điều trị triệt để

Phụ nữ cần làm gì để phòng ngừa nhiễm nấm âm đạo?

Ngoài việc kiểm soát tốt đường huyết, phụ nữ bị ĐTĐ cần có một số lưu ý trong sinh hoạt để phòng tránh sự phát triển của nấm, bao gồm:

- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ: Người bệnh cần thường xuyên vệ sinh vùng kín, nhưng không được rửa quá sâu hay sử dụng các dụng cụ thụt rửa chưa đảm bảo vô trùng; có thể vệ sinh bằng nước muối sinh lý hay dung dịch vệ sinh nhưng không được sử dụng xà phòng thơm. Luôn giữ vùng kín khô ráo để giúp ngăn ngừa sự phát triển của nấm.

- Chọn đồ lót phù hợp: Nên chọn đồ lót có chất liệu cotton, không nên mặc đồ bằng nilon, bó sát và ẩm ướt.

- Lưu ý trong kỳ kinh nguyệt hoặc giai đoạn mãn kinh: Phụ nữ trong những thời kỳ này trải qua sự thay đổi rất lớn về nội tiết tố, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nấm nên rất dễ bị nhiễm hay tái phát bệnh. Do vậy, phụ nữ cần lưu ý hơn ở 2 giai đoạn này:

* Trong chu kì kình nguyệt cần thường xuyên thay băng và vệ sinh vùng kín ít nhất 3 – 4h một lần, lưu ý chọn loại băng đảm bảo vệ sinh, có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng băng đã hết hạn sử dụng hay đã bị rách, bong tróc.

* Thời kì mãn kinh do sự giảm đột ngột hormone nội tiết tố estrogen gây ra, vì thế nên tăng cường bổ sung các thực phẩm có hàm lượng estrogen cao như đậu nành, ngũ cốc nguyên hạt, các loại quả mọng, dầu oliu, cá ngừ, cá hồi…

- Giữ vệ sinh sạch sẽ khi hoạt động tình dục: Nhiễm trùng nấm âm đạo có thể lây truyền qua đường tình dục, do đó cần có biện pháp quan hệ an toàn và vệ sinh sạch sẽ trước, sau khi quan hệ.

Nếu tuân thủ điều trị và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, phụ nữ mắc ĐTĐ hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị nhiễm nấm âm đạo triệt để.

Trích nguồn: http://www.everydayhealth.com/
http://chealth.canoe.ca/
http://www.diabetes.co.uk/

xem bệnh nhân sử dụng tốt